Lượt xem: 988

Ngành tôm Sóc Trăng an toàn trong vụ nuôi năm 2021

Năm 2021 được đánh giá là vụ nuôi đầy thách thức đối với ngành tôm Sóc Trăng trong bối cảnh COVID-19 bùng phát mạnh trên địa bàn toàn tỉnh. Chuỗi sản xuất nhiều lần phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy bởi những khó khăn trong cả khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt từ các bộ, ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là sự đồng lòng vượt khó của cả ngành chuyên môn, hộ nuôi và doanh nghiệp nên chuỗi sản xuất tôm nước lợ tại Sóc Trăng nhanh chóng được phục hồi, con tôm Sóc Trăng cơ bản thành công vượt qua giai đoạn khó.

 


Lãnh đạo tỉnh đi khảo sát thực tế vùng nuôi để tìm hiểu rõ những khó khăn của hộ nuôi và doanh nghiệp trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

 

    “Diện tích thả nuôi chậm hơn so với cùng kỳ”, “Người nuôi lo lắng khi giá tôm thương phẩm liên tục giảm”, “Doanh nghiệp xuất khẩu ảnh hưởng lớn do COVID-19”. Đó là những những vấn đề mang tính thời sự về ngành tôm cả nước trong năm 2021 khi COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Thời điểm bắt đầu vụ nuôi mới, nhiều hộ nuôi tại Sóc Trăng vẫn còn thả nuôi mang tính thăm dò - thăm dò dịch bệnh, thăm dò về giá tôm thương phẩm trước sự biến động liên tục về thị trường. Trong năm, mặc dù vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh không tăng diện tích thả nuôi, nhưng người nuôi tôm đã hướng đến giải pháp nâng cấp quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng sản lượng. Đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm đến 93,7%, năng suất đối với tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh đạt bình quân 5 tấn/1ha, riêng nuôi tôm lót bạt, nuôi mật độ cao năng suất cải thiện đáng kể, như huyện Trần Đề đạt đến 21 tấn/1ha, thị xã Vĩnh Châu đạt 10,2 tấn/1ha. Riêng đối với tôm sú, đạt 1,1 tấn/1ha đối với hình thức quảng canh cải tiến; 2,4 tấn/1ha đối với hình thức bán thâm canh và 4,5 tấn/1ha đối với hình thức thâm canh. Sự nhạy bén trong việc linh hoạt chuyển đổi mô hình nuôi không chỉ giúp người nuôi tôm giảm giá thành sản xuất, gia tăng lợi nhuận mà còn hạn chế được rủi ro dịch bệnh, tạo ra con tôm sạch, chất lượng; đáp ứng tốt nhu cầu chế biến, xuất khẩu của các công ty, doanh nghiệp tại tỉnh. Ông Bùi Văn Thanh, hộ nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Khi chuyển qua mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hình thức lót bạt đáy, mặc dù chi phí ban đầu là rất lớn, nhưng sẽ mang đến nhiều lợi ích về lâu dài. Khi nuôi trong ao bạt, môi trường nước sẽ đảm bảo sạch để tôm phát triển khỏe mạnh. Vấn đề quan sát, theo dõi dịch bệnh trên tôm cũng dễ hơn so với khi nuôi ao đất, quan trọng là trong trường hợp phát hiện tôm bị bệnh có thể thay nước được ngay. Nhờ nuôi theo quy trình này mà tôm khi thu hoạch rất thuận lợi vì đều được các nhà máy hợp đồng bao tiêu”.

    COVID-19 bùng phát đúng vào thời điểm bước vào đợt nuôi tôm chính vụ đã gây áp lực rất lớn đối với hộ nuôi, doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành thủy sản nói chung. Đặc biệt, thời gian thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã gây ra những bất lợi cho người nuôi trong khâu vận chuyển vật tư, doanh nghiệp chế biến tôm cũng gặp sức ép lớn về nguồn tôm nguyên liệu khi xe thu mua không thể đến trực tiếp ao nuôi, số lượng nhân công giảm khiến công suất tại nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

    Thực hiện mục tiếp kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đến tận vùng nuôi để nắm rõ những khó khăn, vướng mắc của hộ nuôi và doanh nghiệp; từ đó triển khai hàng hoạt các chính sách khơi thông mọi hoạt động sản xuất, như: Thực hiện test nhanh miễn phí cho công nhân vận chuyển, thu hoạch tôm, tổ chức tiêm vaccine khẩn cho công nhân tại nhà máy chế biến thủy sản, thực hiện cấp “thẻ xanh” để tạo sự thông thoáng cho quá trình lưu thông, vận chuyển cho các phương tiện thu mua từ vùng nuôi đến nhà máy... Nhiều giải pháp được triển khai một cách đồng bộ đã giúp các nhà máy chế biến nhanh chóng trở lại tiến độ sản xuất với công suất lớn hơn khi nguồn nhân lực đảm bảo. Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex) Sóc Trăng cho biết thêm: “Có thể thấy, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của tỉnh Sóc Trăng đã vận dụng một cách linh hoạt yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo đã triển khai chiến lược 04 vùng, thu hẹp không gian bị ảnh hưởng của dịch về cấp xã hay từng ấp thay vì phong tỏa toàn bộ địa bàn. Từ cách làm này đã tạo ra những không gian an toàn, là điều kiện thuận lợi để số lao động làm việc tại nhà máy từng bước được nâng lên, giúp doanh nghiệp chúng tôi nhanh chóng phục hồi lại chuỗi sản xuất khi vấn đề nhân lực, lưu thông, vận chuyển thuận lợi hơn. Đến thời điểm trung tuần tháng 9, doanh nghiệp Sao Ta đã có số lượng lao động ngang với cùng kỳ năm trước, sản lượng chế biến của công ty cao hơn so với cùng kỳ hằng năm”.

    Bên cạnh đó, ảnh hưởng của COVID-19 đã làm cho một số hoạt động không thể triển khai đúng kế hoạch, đặc biệt là các cuộc tập huấn, hội nghị chuyên đề, hội thảo, diễn đàn có yếu tố tập trung đông người. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã linh hoạt hay đổi hình thức bằng việc tăng cường tổ chức theo hình thức kết nối trực tuyến đến hộ nuôi và các hợp tác xã/tổ hợp tác. Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin được khai thác triệt để cảnh báo về tình hình dịch bệnh trên tôm, thông tin về giá thu mua tôm ở từng thời điểm... Ông Trần Quang Cần - Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Nhờ có các kênh thông tin từ zalo, facebook hay các cuộc họp trực tuyến do cơ quan chuyên môn tổ chức mà chúng tôi được thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, sự thay đổi về độ mặn, độ kiềm trong ao nuôi hay những dự báo về giá tôm theo từng giai đoạn. Khi không thể trực tiếp gặp gỡ thì việc trao đổi như vậy vẫn giúp ích được rất nhiều cho hộ nuôi”.

    Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng nỗ lực rất lớn từ phía người nuôi và doanh nghiệp, con tôm Sóc Trăng đã thành công vượt khó với diện tích thả nuôi đạt 53.000 hecta, sản lượng tôm nuôi đến cuối năm ước đạt 183.194 tấn, vượt 6,5% kế hoạch và cao hơn 17,8% so với năm 2020, thiệt hại trên tôm tiếp tục được khống chế dưới 02 con số, chiếm tỷ lệ 6%, giảm 2% so với cùng kỳ. Thành công trong cả nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ đã tạo một lực đẩy quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành thủy sản. Nhờ vậy, doanh nghiệp chế biến thủy sản của Sóc Trăng vẫn cơ bản duy trì tốt chuỗi ngành hàng, giữ vững vị trí tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước với kim ngạch xuất khẩu tính đến cuối tháng 11/2021 là 927 triệu USD.

    Thành công của vụ nuôi năm nay đã đảm bảo nhịp độ tăng trưởng ngành tôm của tỉnh theo Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 của Chính phủ cũng như Kế hoạch số 107 của  UBND tỉnh Sóc Trăng  về việc ban hành Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025. Trong thành công đó, phải kể đến sự chuyển đổi quy trình kỹ thuật, năng lực ứng dụng công nghệ cao  của người nuôi tôm, sự nhạy bén của các doanh nghiệp trong việc xây dựng phương án kinh doanh phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt là việc phát huy tốt mô hình kinh tế tập thể thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác làm cầu nối giải quyết mọi khó khăn phát sinh từ khâu đầu vào đến đầu ra.

    Trong năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi tôm nước lợ là 51.000 ha, sản lượng tôm nuôi là 196.000 tấn. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, góp phần phát triển bền vững một trong những “thủ phủ” tôm của cả nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục thực hiện tốt Công văn số 1345 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc tăng cường công tác quản lý hộ nuôi, cơ sở, trang trại nuôi tôm nước lợ trên địa bàn; Đề án “Nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025”; đề xuất nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp để hoàn thiện dần hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi, tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nuôi thủy sản nước lợ dựa trên mục tiêu cải tiến nâng cao năng lực ứng dụng quy trình kỹ thuật cao trong nuôi tôm để tăng sản lượng, phát huy mô hình nuôi an toàn, bền vững. Tăng cường sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp trong việc định hướng thị trường; thực hiện quy trình sản xuất sạch từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến nhằm hạn chế những ảnh hưởng không mong muốn về chất lượng sản phẩm hay tình trạng “khủng hoảng thừa”. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Để góp phần đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ đô la của cả nước vào năm 2025 theo Quyết định 79/QĐ-TTg và tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đạt 1 tỷ đô la, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tập trung chỉ đạo vào những giải pháp sắp tới như: Không gia tăng về diện tích mà tập trung gia tăng về mặt công nghệ để nâng sản lượng và chất lượng; hình thành những vùng nuôi tôm tập trung, nuôi tôm công nghệ cao nhiều giai đoạn để tạo ra năng suất và sản lượng lớn; ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và quản lý như quan trắc môi trường tự động, quan trắc dịch bệnh và áp dụng các quy phạm thực hành nuôi tốt như VietGAP, BAP, ASC, đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Cần xếp lại tư duy sản xuất nông nghiệp cũ, lạc hậu, tự phát… để chờ giải cứu, chuyển sang lối tư duy làm kinh tế nông nghiệp, nghĩa là làm nông nghiệp phải gắn kết với thị trường đầu ra. Đồng thời, củng cố và tạo cơ chế để khuyến khích phát triển sản xuất tập trung, kinh tế tập thể dưới hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội… và tổ chức liên kết vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm, bao tiêu sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị tôm khép kín. Để thực thi vấn đề này, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện hoạt động xây dựng Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025”.

    Thủy sản là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng, trong đó ngành tôm Sóc Trăng hiện chiếm trên 10% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước, nên việc duy trì nhịp độ nuôi, sản lượng tôm nuôi, chế biến xuất khẩu không bị đứt gãy sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương và đất nước, đặc biệt là ổn định việc làm và thu nhập cho trên 20.000 lao động ở các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuyệt đối không chủ quan trong quá trình thả nuôi và chú trọng nâng cao chất lượng nguồn tôm nguyên liệu để đón đầu nhu cầu thị trường xuất khẩu hậu đại dịch... là những hướng đi mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đang đặt ra nhằm giúp ngành tôm tỉnh nhà trụ vững trong bối cảnh hết sức khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 8110
  • Trong tuần: 78,817
  • Tất cả: 11,802,137